Bạn vong niên của tôi có bằng tiến sĩ kinh tế từ khi chưa đầy 30 tuổi tại Mỹ. Anh là một trong số những người Việt đầu tiên sang Mỹ du học. Từ ngày đỗ đạt đến tận bây giờ, khi đã về hưu, anh có một sự nghiệp rất thành công ở xứ người. Sau khi nghỉ hưu trong một tổ chức quốc tế lớn ở Washington DC, anh hiện vẫn bận rộn với công việc cố vấn kinh tế cho chính phủ một nước Trung Đông.
Mới đây, sau chuyến về thăm quê, một thành phố miền Trung Việt Nam, anh tâm sự “anh thấy mình may mắn quá”. Hầu hết những người bạn cùng tuổi, cùng hoàn cảnh như anh thuở thiếu thời vẫn đang phải chật vật từng ngày với nhiều nghề để mưu sinh. “Cái anh khác các bạn chỉ là cơ hội du học mà thôi”, anh nói. Từ bước ngoặt đó, đời anh khác xa các bạn rất nhiều.
Có lẽ bạn tôi quá khiêm tốn. Những người đi du học rồi ở lại Mỹ làm việc, như tôi và anh, cũng trải qua những nỗ lực riêng tư, đối mặt với sự cô đơn của người xa tổ quốc, phải luôn cố gắng để không bị coi thường vì mình là người châu Á nhập cư.
Nhưng tôi nghĩ về các bạn cấp ba của tôi ngày xưa ở trường Amsterdam Hà Nội. Phải đến một phần ba đang định cư ở nước ngoài.
Các bạn cùng lớp đại học hầu hết cũng đang ở lại Hà Nội để xây dựng sự nghiệp, rất ít người quay lại quê mình. Tất cả chúng tôi đều có điểm chung là muốn sống ở nơi mình có nhiều cơ hội nhất. Nhưng còn những người vẫn ở quê, kinh doanh nhỏ, làm nông nghiệp hay đi làm thuê, tất nhiên họ chọn cơ hội của mình. Tôi từng hỏi lý do vì sao người này, người kia ở lại quê nhà, họ bảo vì thành phố khó sống quá, vì không quen biết, không có vốn, không biết bao giờ mua được nhà… Và cái khó của người này, thực ra rất khác với cái khó của người kia.
Kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng trong mấy chục năm qua. Các chỉ số đo bất bình đẳng như hệ số Gini tương đối ổn định so với nhiều nước. Nhưng xã hội vẫn “phân loại” con người theo những cơ hội khác nhau, tùy vào hoàn cảnh gia đình và nơi sinh sống.
Chẳng xa xôi gì, những sinh viên “bị” sửa điểm thi đại học ở một số tỉnh chủ yếu rơi vào các gia đình có tiền hoặc có quyền. Các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ cũng ồn ào các vụ minh tinh Hollywood chạy điểm vào đại học cho con. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Tổng thống Trump thắng cử nhờ khai thác rất tốt khía cạnh bất bình đẳng cơ hội của các tầng lớp xã hội khác nhau trong các bài diễn văn tranh cử. Chẳng hạn, ông tuyên bố người nhập cư trái phép không được phép nhận các quyền lợi và cơ hội bình đẳng như công dân Mỹ.
Sự bất bình đẳng của những nhóm người khác nhau trong xã hội được giải thích bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất, bởi nỗ lực cá nhân. Ví dụ, ai học giỏi hơn thường thi đỗ đại học với điểm cao hơn. Bác sĩ, kỹ sư có tay nghề giỏi hơn được tưởng thưởng xứng đáng hơn trong công việc. Thứ hai, do hoàn cảnh thuận lợi hay không, còn gọi là thiên thời địa lợi, hoặc may mắn. Thứ ba, do các cơ hội khác nhau của mỗi người. Những đứa trẻ có khả năng tương đương nhưng sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khác nhau dẫn tới việc chúng sa vào những mỗi trường có độ thuận lợi khác nhau, và mức độ thành công trong cuộc đời khác nhau.
Trong ba yếu tố nêu trên, các kinh tế gia thế giới gần đây nghiêng về kết luận rằng bất bình đẳng cơ hội mới là yếu tố chúng ta cần loại trừ. Nhận thức này rất quan trọng, vì đã một thời gian rất dài, Việt Nam hay một số nước đã quá chú trọng đến việc bình quân hóa, cào bằng kết quả lao động cho gần như toàn bộ xã hội. Trong khi đó, nhà quản lý quên xác định yếu tố nào tạo ra sự bất bình đẳng “xấu” cần khắc phục.
Việc định hướng sai từ tư duy quản lý xã hội sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng. Ví dụ tiêu biểu là trong suốt gần 3 thập kỷ, nhà nước tập trung các hộ nông dân vào hợp tác xã, bắt họ phải có chung công cụ và điều kiện sản xuất – với mục đích xóa bỏ sự bất bình đẳng về thu nhập. Nhưng phòng trào này hóa ra đã triệt tiêu động lực kinh tế cá nhân, dẫn tới kết quả ngược lại, làm kiệt quệ sức sản xuất của nền kinh tế.
Sau đó, chính phủ sửa sai bằng cách giao khoán ruộng đất cho hộ gia đình. Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu lúa gạo trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việc khoán đất đến từng hộ gia đình thực ra đã tạo ra sự bình đẳng về cơ hội sản xuất, gián tiếp công nhận sự bất bình đẳng tích cực trong kết quả – hộ nào có cố gắng trồng trọt tốt sẽ thu hoạch tốt, có nhiều lợi tức hơn.
Bất bình đẳng cơ hội còn bóp méo mọi sự cạnh tranh công bằng, khiến nền kinh tế không thể vận hành một cách tối ưu. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp A làm việc dở hơn doanh nghiệp B, nhưng lại có thông tin nội bộ về một dự án giải tỏa mặt bằng để làm đường và thắng thầu, A đã có nhiều cơ hội hơn doanh nghiệp B để phát triển tiếp.
Một nền kinh tế không được xây dựng dựa trên cạnh tranh lành mạnh với các cơ hội bình đẳng để gạn lọc ra những doanh nghiệp tốt nhất thì sẽ bị tụt hậu so với thế giới. Thậm chí về lâu dài, sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội quá lớn mà lại bắt nguồn từ bất bình đẳng cơ hội có thể sẽ gây bất an và rối loạn xã hội.
Khi nhìn nhận, đánh giá cá nhân và các nhóm khác nhau, người quản lý cần chú ý hơn tới các cơ hội bất bình đẳng, dù nó tinh vi, khó nhận biết, nhưng nhiều khả năng là nguyên nhân tiềm tàng dẫn tới các kết quả khác biệt. Nhà quản lý nếu hiểu ra điều này có thể cải thiện được năng lực xã hội.
Sự bất bình đẳng cơ hội thực ra có thể được giảm thiểu bằng chính sách. Đơn cử trong lĩnh vực giáo dục, nếu chúng ta phân bổ ngân sách hợp lý sẽ không có tình trạng ở một số vùng sâu vùng xa, học sinh phải đu dây qua sông để đến trường; hay là bài giảng và tài liệu tham khảo các môn học từ cấp một đến bậc đại học nếu được tích hợp vào cơ sở học liệu mở thì toàn dân ai có nhu cầu tự học cũng có thể truy cập online – đem lại cơ hội giáo dục cho rất nhiều cuộc đời.
Anh và Mỹ có nền giáo dục và nghiên cứu ở bậc đại học tốt nhất thế giới một phần bởi các trường hàng đầu của họ là đại học tư hoàn toàn tự chủ, Việt Nam cũng có thể học tập kinh nghiệm tương tự, tiến tới đẩy mạnh tự chủ đại học để các trường tư có cơ hội bình đẳng với các trường công. Từ đó, giáo dục sẽ đổi thay.